Bảo vệ đại dương trước thảm hoạ ô nhiễm nhựa

Rác thải nhựa

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:

Các đại dương trên trái đất không thể thiếu đối với sự sống. Chúng tạo ra hơn một nửa lượng oxy cho chúng ta, chúng giúp điều hòa khí hậu, hấp thụ carbon dioxide và hỗ trợ sự sống dồi dào nhất có trên hành tinh của chúng ta. Chúng cũng không thể thiếu đối với nền kinh tế thế giới vì chúng là huyết mạch của giao thông vận tải và giải trí. Nhưng các đại dương đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi ô nhiễm nhựa.

Hàng năm, khoảng từ 8 đến 14 triệu tấn nhựa bị đổ vào các đại dương. Theo báo cáo vào tháng 10/2021 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, nhựa chiếm 85% tổng lượng rác thải ở biển. Báo cáo lưu ý rằng các hệ sinh thái, từ nguồn nước đến đại dương, đang bị đe dọa bởi rác thải nhựa và ước tính rằng nếu cộng đồng toàn cầu không hành động, ô nhiễm nhựa trong đại dương và các vùng nước khác có thể tăng gấp đôi từ đây cho đến 2030.

“Sức khỏe của chúng ta, sự sống còn của chúng ta phụ thuộc vào sức khỏe của các đại dương của chúng ta. Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ chúng, ” Ngoại trưởng Antony Blinken phát biểu tại Hội nghị về vấn đề nhựa trong đại dương vừa được tổ chức tại Nairobi, Kenya, do Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc bảo trợ.

Ngoại trưởng Blinken nói rằng Hoa Kỳ sẽ ủng hộ các cuộc đàm phán đa phương sắp tới về một thỏa thuận toàn cầu chống ô nhiễm nhựa đại dương. Ông nói: “Bằng cách khởi động các cuộc đàm phán này tại Hội đồng Môi trường Liên hiệp quốc vào tháng 2 năm 2022, mục tiêu của chúng ta là tạo ra một công cụ mà chúng ta có thể sử dụng để bảo vệ các đại dương và tất cả sự sống mà chúng duy trì khỏi tác hại toàn cầu của ô nhiễm nhựa. Điều quan trọng là thỏa thuận kêu gọi các nước phát triển và thực thi các kế hoạch hành động quốc gia mạnh mẽ để giải quyết vấn đề này từ gốc của nó.”

Ngoại trưởng Blinken nói khu vực tư nhân phải làm nhiều hơn nữa để cắt giảm ô nhiễm nhựa, đồng thời cũng phải đầu tư vào đổi mới. Ông nói: “Chúng tôi nhận ra rằng các tác nhân khác nhau sẽ có năng lực hành động khác nhau, nhưng mọi quốc gia, mọi cộng đồng và thực sự là mọi cá nhân đều có vai trò.”

“Chúng ta phải đối mặt với thách thức to lớn trong việc bảo vệ các đại dương của mình, nhưng nếu chúng ta có tham vọng trong cả nỗ lực toàn cầu và địa phương của mình, nếu chúng ta có thể kết hợp nỗ lực của chính phủ, của các ngành với nỗ lực của cộng đồng và cá nhân, nếu chúng ta tăng sức mạnh cho các phương pháp tiếp cận sáng tạo, tôi tin rằng chúng ta có thể vượt qua thử thách này, chúng ta có thể giải quyết … và chúng ta có thể cùng nhau giải quyết.”

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.