Hội nghị Ấn Độ-Thái Bình Dương về Tăng cường quản trị các dòng sông xuyên biên giới

Một người bán hàng mang hàng hóa đi phà qua sông Mekong ở làng Dei Edth, ngoại ô Phnom Penh, Campuchia. (Ngày 22/7/2020)

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:

“Một con sông không chỉ đơn thuần là một vật thể địa lý. Nó là nền tảng cơ bản và thiết yếu của cuộc sống con người, ” Trợ lý Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell mở đầu bài phát biểu khai mạc Hội nghị Ấn Độ - Thái Bình Dương về Tăng cường quản trị các dòng sông xuyên biên giới.

“Và người dân sông Mekong hiểu rất rõ sự thật này,” ông nói, “bởi vì họ đang phải sống với những hậu quả khủng khiếp của việc kiểm soát nguồn nước ở thượng lưu. Sự tàn phá không ngừng gia tăng tác động đến cuộc sống của hàng chục triệu người ở hạ nguồn con sông này.”

Trung tâm Đông Tây (EWC), hợp tác với Bộ Ngoại giao Mỹ và Quan hệ đối tác Mekong-Hoa Kỳ, tổ chức hội nghị trực tuyến hôm 15/10/2020, triệu tập các nhà hoạch định chính sách, học giả, thành viên của xã hội dân sự và các bên liên quan sông xuyên biên giới trên khắp khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương để chia sẻ các thực tiễn tốt nhất liên quan đến phát triển bền vững và quản lý hợp tác ở những con sông xuyên biên giới.

Trợ lý Bộ trưởng Stilwell nhấn mạnh đến Quan hệ đối tác Mekong-Hoa Kỳ mới và vai trò của nó trong việc mở rộng sự tham gia của Hoa Kỳ với năm quốc gia tiểu vùng sông Mekong. Ông nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực sông Mekong với bằng chứng là Hoa Kỳ đã viện trợ 3,9 tỷ đô la cho khu vực này kể từ năm 2009, cũng như sự hỗ trợ lâu dài của Hoa Kỳ đối với Ủy hội sông Mekong (MRC) và việc quản lý minh bạch sông xuyên biên giới. Trợ lý Bộ trưởng Stilwell cũng nêu lên những lo ngại của Hoa Kỳ về việc Trung Quốc đơn phương thao túng dòng chảy của sông Mekong và nhu cầu chia sẻ dữ liệu toàn diện về nước quanh năm thông qua MRC.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Đại sứ Hoa Kỳ tại Thái Lan Michael DeSombre nói “thành công ở khu vực sông Mekong sẽ không chỉ phụ thuộc vào các thể chế và quan hệ đối tác mạnh mẽ, mà còn dựa trên luồng dữ liệu minh bạch. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ thành lập Sáng kiến Dữ liệu Nước Mekong với đầu vào từ hơn 60 đối tác là các chính phủ và tổ chức phi chính phủ để cải thiện việc chia sẻ dữ liệu và ra quyết định dựa trên khoa học. Nền tảng MekongWater.org, được Ngoại trưởng Pompeo công bố năm ngoái, bao gồm hơn 40 công cụ bao gồm nhiều thứ từ dự báo thời tiết cho đến khoa học công dân.” Ông cho biết Hoa Kỳ "có kế hoạch đưa ra một bản nâng cấp lớn cho nền tảng này trong những tuần tới."

Hoa Kỳ, cùng với các nước bạn và đồng minh trên toàn cầu, cam kết tiếp tục hợp tác với các nước khu vực Mekong để xây dựng một tương lai thịnh vượng, bền vững và lành mạnh dựa trên các nguồn lực chung này.

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.