Không để công nghệ theo dõi bị lạm dụng

Một người đeo mặt nạ bảo vệ đi dưới các camera theo dõi ở Thượng Hải, Trung Quốc (ảnh tư liệu).

Một người đeo mặt nạ bảo vệ đi dưới các camera theo dõi ở Thượng Hải, Trung Quốc (ảnh tư liệu).

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:

Công nghệ với khả năng theo dõi đang phát triển nhanh vượt bậc, và song song với nó là khả năng nó bị lạm dụng để vi phạm nhân quyền. Đó là lý do tại sao Bộ Ngoại giao đã ban hành hướng dẫn cho các công ty Mỹ về cách ngăn chặn các sản phẩm hoặc dịch vụ của họ bị chính phủ nước ngoài lợi dụng hoặc lạm dụng để vi phạm nhân quyền, theo Quyền Phó trợ lý Bộ trưởng Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, Scott Busby.

Các sản phẩm hoặc dịch vụ có khả năng giám sát có hoặc không có chủ ý có tiềm năng đóng góp tích cực cho kinh tế, quốc phòng và xã hội lành mạnh của một quốc gia. Ví dụ, các sản phẩm hoặc dịch vụ đó được được sử dụng để bảo vệ an toàn cho hệ thống bầu cử khỏi bị gian lận.

Tuy nhiên, các công nghệ và sản phẩm theo dõi thường bị các chính phủ nước ngoài lạm dụng để bóp nghẹt những người bất đồng chính kiến, quấy rầy những người bảo vệ nhân quyền, đe dọa các cộng đồng thiểu số, ngăn cản những người tố giác, dập tắt tự do ngôn luận, nhắm vào các đối thủ chính trị, nhà báo và luật sư, hoặc can thiệp một cách tùy tiện và bất hợp pháp vào quyền riêng tư.

Trong một số trường hợp, các chính phủ nước ngoài đã lạm dụng các sản phẩm hoặc dịch vụ đó để giám sát toàn bộ người dân một cách tùy tiện và bất hợp pháp. “Trung Quốc là nước hạn chế khắc khe quyền tiếp cận Internet và đang sử dụng rộng rãi công nghệ giám sát để vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế,” Quyền Phó Trợ lý Bộ trưởng Busby nói.

Các hành vi lạm dụng bao gồm giám sát công nghệ cao khắp vùng Tân Cương, nơi nhà nước Trung Quốc đã thực hiện một chiến dịch đàn áp đối với người Duy Ngô Nhĩ, người sắc tộc Kazakh và tín đồ của các nhóm thiểu số Hồi giáo khác. Các chính phủ khác trên thế giới đang sử dụng công nghệ tương tự đối với công dân của họ: Iran, Venezuela và theo một cuộc điều tra của Wall Street Journal năm 2019 còn có các nước Algeria, Uganda và Zambia.

Bây giờ là thời điểm quan trọng hơn hết để các doanh nghiệp Hoa Kỳ phải áp dụng các chính sách bảo vệ để chống lại việc sử dụng sai mục đích sản phẩm của họ. Quyền Phó Trợ lý Bộ trưởng Busby cho biết: “Chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy sự đổi mới để bổ sung cho cách tiếp cận của chúng ta đối với quyền con người, bao gồm việc không bị can thiệp tùy tiện và bất hợp pháp vào quyền riêng tư và tự do ngôn luận, cũng như việc thượng tôn pháp luật. Chúng tôi mong muốn được hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, thực hiện hướng dẫn này và đảm bảo rằng các công ty Mỹ tiếp tục phản ánh những giá trị mạnh mẽ nhất của Hoa Kỳ. ”

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.