Để bước đi an toàn trên trái đất

Công binh Syria thu gom mìn ở đường cao tốc M5 (Ảnh tư liệu).

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:

Rất lâu sau khi chiến tranh kết thúc và các bên tham chiến hạ vũ khí nhưng bom mìn, vật liệu chưa nổ, thiết bị nổ tự chế và các chất nổ còn sót lại sau chiến tranh vẫn là mối nguy hiểm chết chóc đối với con người và gia súc, khiến hàng nghìn hecta đất không sử dụng được, và gây mất ổn định cộng đồng. Thêm vào mối nguy hiểm đó, những kẻ khủng bố, buôn ma túy và các băng nhóm tội phạm khai thác các kho vũ khí được bảo mật kém để lấy vũ khí và đạn dược mà chúng cần để tiếp tục khủng bố các cộng đồng, phá hoại hệ thống pháp quyền và gieo rắc bất ổn.

Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ đã đầu tư hơn 4 tỷ đôla vào 100 quốc gia kể từ năm 1993 để rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ ở các quốc gia sau xung đột. Năm 2020, bất chấp những thách thức đặc biệt do đại dịch COVID-19 gây ra, Hoa Kỳ đã tài trợ cho các nỗ lực tiêu hủy vũ khí thông thường ở 49 quốc gia với hơn 259 triệu đôla.

Để nêu bật một số thành tựu của chương trình Hủy bỏ vũ khí thông thường của Hoa Kỳ, hàng năm kể từ năm 2001, Văn phòng đặc trách Loại bỏ và hủy bỏ vũ khí thuộc Cục Chính trị-Quân sự của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo hàng năm mang tên Để bước đi an toàn trên trái đất. Vào đầu tháng 4, văn phòng này đã phổ biến báo cáo thứ 20.

Một số điểm nổi bật bao gồm hoạt động của Hoa Kỳ tại Yemen, nơi Hoa Kỳ hợp tác chặt chẽ với nhiều bên liên quan, tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ của Yemen để rà phá bom mìn và các chất nổ khác.

Tại Iraq, Hoa Kỳ đóng góp 37,5 triệu đôla vào năm ngoái để giải quyết các nguy cơ gây nổ, và thúc đẩy tiếp tục giáo dục phòng tránh bom mìn trên khắp đất nước. Những nỗ lực này đang giúp đưa những người thất tán trở về lại quê nhà an toàn, bao gồm cả các cộng đồng bị ISIS đàn áp.

Tại Afghanistan, Hoa Kỳ cung cấp kinh phí và hỗ trợ tiêu hủy vũ khí thông thường để giúp rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ do cả cuộc xâm lược của Liên Xô năm 1979 và cuộc xung đột hiện nay để lại.

MANPADS là chương trình hội thảo đào tạo về nhận biết hệ thống phòng không di động do Lực lượng Đặc nhiệm Hệ thống Phòng không Di động liên ngành hỗ trợ cho các quan chức an ninh và hải quan nước ngoài và cảnh sát quốc gia, trong nỗ lực chống phổ biến vũ khí tiên tiến. MANPADS mở các chương trình đào tạo trực tuyến cung cấp cho các quan chức Trung Đông và Bắc Phi những kỹ năng cần thiết để giảm bớt mối đe dọa đối với hàng không dân dụng.

Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề chính trị-quân sự Timothy Alan Betts cho biết: “Bất chấp đại dịch, Hoa Kỳ có thể cung cấp sự hợp tác đáng kể trong một loạt các chương trình trên khắp thế giới. “Chúng tôi vẫn cam kết Phá hủy vũ khí thông thường và mong muốn tiếp thêm sức mạnh cho những nỗ lực của chúng tôi vào năm 2021 để tất cả có thể “bước đi an toàn trên trái đất.”

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.