Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:
Một xu hướng đang phát triển và đáng lo ngại, được nhấn mạnh trong Báo cáo về nạn buôn người mới nhất của Hoa Kỳ, là xu hướng cưỡng bức lao động được khởi xướng và tiến hành trong các hoạt động lừa đảo trên mạng.
Cindy Dyer, Đại sứ lưu động của Hoa Kỳ về Giám sát và Chống nạn buôn người, lưu ý: “Những kẻ buôn người lợi dụng những khó khăn kinh tế liên quan đến đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên toàn cầu gia tăng và các hạn chế đi lại quốc tế để bóc lột hàng nghìn người lớn và trẻ em trong một mạng lưới lừa đảo trị giá hàng tỷ đô la trong hai năm qua:”
Đại sứ Dyer nói: “Nhiều người đã phản hồi lời mời làm việc cho những gì họ nghĩ là công việc trong lĩnh vực CNTT [Công nghệ thông tin], sòng bạc hoặc các doanh nghiệp có vẻ hợp pháp khác. Thông thường, các cá nhân này buộc phải tham gia vào các vụ lừa đảo trên mạng theo các thỏa thuận hạn ngạch bất khả thi khiến họ ngày càng mắc nhiều nợ với những kẻ buôn người. Những kẻ buôn người sử dụng những khoản nợ này để bóc lột nạn nhân bằng hình thức lao động cưỡng bức và buôn bán tình dục, kể cả ở các đặc khu kinh tế, chủ yếu trên khắp Đông Nam Á, và cũng gài bẫy các cá nhân tại ít nhất 35 quốc gia và vùng lãnh thổ.”
Ở Đông Nam Á, các hoạt động lừa đảo trên mạng đã được phát hiện ở Miến Điện, Campuchia, Lào, Malaysia và Philippines.
Chính phủ Hoa Kỳ quyết tâm chống lại tội ác này.
Đại sứ Dyer nói: “Trước hết, chúng tôi khuyến khích các chính phủ và cơ quan chức năng ưu tiên chủ động tìm và hỗ trợ các nạn nhân. … Chúng tôi cũng đang dành hỗ trợ nước ngoài để xây dựng năng lực trong khu vực nhằm giải quyết vấn nạn buôn người đang gia tăng này. … Một điều nữa mà chúng tôi đang làm và cần cảnh báo rằng thường thì những người sống sót, những người có thể trốn thoát khỏi những tình huống buôn người này, thường bị buộc tội hành chính, hình sự hoặc vi phạm luật nhập cư sau khi họ thoát ra khỏi bọn buôn người. Và vì vậy, chúng tôi muốn khuyến khích các chính phủ không trừng phạt những cá nhân này, những người đã bị buộc phải tham gia vào các hoạt động tội phạm mạng.”
Đại sứ Dyer ca ngợi một số chính phủ “thực sự làm rất tốt” ở Châu Á-Thái Bình Dương: Đài Loan, nơi đã tăng cường nỗ lực sàng lọc nạn nhân và cung cấp quyền miễn trừ trong các trường hợp bị cưỡng bức; Lào, nước đang hợp tác với các cơ quan chức năng quốc tế để đưa các nạn nhân Lào ra khỏi Đặc khu kinh tế Tam giác vàng; và Hong Kong, nơi đã tạo ra một ứng dụng dựa trên web dành cho các nạn nhân và thân nhân để báo cáo các hoạt động lừa đảo trên mạng.
Ngoài ra, trên khắp châu Á-Thái Bình Dương, Đại sứ Dyer lưu ý, đang có sự gia tăng về số nạn nhân buôn người xác định được, cũng như số lượng những kẻ buôn người bị truy tố và kết án.
“Những sự gia tăng này rất đáng khích lệ,” Đại sứ Dyer tuyên bố, “nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để giải quyết các vấn đề buôn bán người nghiêm trọng trong khu vực.”
Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.