Accessibility links

Breaking News

Cần minh bạch thông tin quản lý dòng chảy sông Mekong


 Mực nước giảm thấp kỷ lục ở đoạn sông Mekong chảy qua huyện Pak Chom, tỉnh Loei, đông bắc Thái Lan với phía Lào ở bên phải. (Ảnh tư liệu ngày 31/10/2019)
Mực nước giảm thấp kỷ lục ở đoạn sông Mekong chảy qua huyện Pak Chom, tỉnh Loei, đông bắc Thái Lan với phía Lào ở bên phải. (Ảnh tư liệu ngày 31/10/2019)

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:

Hoa Kỳ lo ngại rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không chia sẻ dữ liệu về nguồn nước và quản lý thượng nguồn sông Mekong, mà Trung Quốc gọi là Lancang.

Lưu vực sông Mekong, bắt đầu từ Trung Quốc, qua Miến Điện, Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam và đổ ra Biển Đông, là nơi sinh sống của hơn 60 triệu người. Khoảng 85% trong số họ sống dựa trực tiếp vào dòng sông, đặc biệt là ngư dân và những người làm nông phụ thuộc vào nguồn nước con sông. Điều này có nghĩa là bất kỳ sự kiện bất ngờ nào ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Mekong đều có thể ảnh hưởng nặng nề đến an ninh kinh tế và sức khỏe của hàng triệu người dân trong khu vực.

Gần đây, mực nước dao động ở hạ lưu sông Mekong cùng với hạn hán nghiêm trọng đã gây ra nhiều bất ổn cho các nước láng giềng của Trung Quốc ở hạ lưu sông Mekong. 11 đập thuỷ điện trên dòng chính và các dòng nhánh ở thượng nguồn sông Mekong do Bắc Kinh vận hành đã ảnh hưởng đến mực nước và chất lượng nước mà các nước láng giềng ở hạ lưu bị ảnh hưởng.

Tháng 8 năm ngoái, CHND Trung Hoa đã hứa sẽ chia sẻ thông tin thủy văn quanh năm mà họ thu thập được trên sông Mekong, trong nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, lũ lụt và hạn hán. Thế nhưng Bắc Kinh hồi đầu năm nay đã không đưa ra cảnh báo nào khi mực nước đột ngột dao động dữ dội ở phía nam của đập Jinghong của Trung Quốc. Hậu quả là các cộng đồng ở hạ lưu không có thời gian để chuẩn bị hoặc ứng phó với mực nước có thời điểm thấp hơn 50% so với bình thường.

CHND Trung Hoa có trách nhiệm thông báo cho các nước láng giềng ở hạ lưu về các điều kiện thay đổi hoặc các hoạt động có thể ảnh hưởng đến dòng sông.

“Hoa Kỳ ủng hộ tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc quản lý các nguồn tài nguyên xuyên biên giới. Trong nhiều thập kỷ, những giá trị này đã định hướng cho công việc của chúng tôi nhằm giữ cho sự lành mạnh và tính bền vững của sông Mekong và gần 70 triệu người có sinh kế phụ thuộc vào nó,” Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price tuyên bố bằng văn bản.

“Chúng tôi chia sẻ mối quan ngại của các chính phủ ở lưu vực sông Mekong và Ủy hội sông Mekong về những biến động bất ngờ hồi gần đây và mực nước sông Mekong sụt giảm đáng lo ngại. Chúng tôi cùng với họ kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chia sẻ dữ liệu về nguồn nước kịp thời và cần thiết, bao gồm thông tin về các hoạt động của đập thuỷ điện ở thượng nguồn. Điều cần thiết là CHND Trung Hoa phải tuân thủ các cam kết của mình và tham khảo ý kiến của các nước ở hạ nguồn.

“Hoa Kỳ, thông qua Đối tác Mekong-Hoa Kỳ, sẽ tiếp tục hỗ trợ các chính phủ và cộng đồng địa phương trong khu vực Mekong. ”

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG