Accessibility links

Breaking News

Cam kết không thử tên lửa chống vệ tinh


Phó Tổng thống Kamala Harris phát biểu tại Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg ở Lompoc, California ngày 18/4/2022
Phó Tổng thống Kamala Harris phát biểu tại Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg ở Lompoc, California ngày 18/4/2022

Hoa Kỳ cam kết không tiến hành thử tên lửa chống vệ tinh, trở thành quốc gia đầu tiên đưa ra cam kết như vậy -- Phó Tổng thống Kamala Harris tuyên bố trong một bài phát biểu tại Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg.

Chính quyền Biden thực hiện cam kết tự nguyện này trong nỗ lực thúc đẩy “hành vi có trách nhiệm trong không gian,” Phó Tổng thống Harris nói.

Tuyên bố mới được đưa ra sau khi Nga vào tháng 11 đã tiến hành một vụ thử tên lửa chống vệ tinh phá hủy vệ tinh Cosmos-1408, một tàu vũ trụ thời Liên Xô đã ở trên quỹ đạo từ những năm 1980. Năm 2007, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc thử nghiệm tương tự. Các vụ thử này là một phần trong nỗ lực phát triển hệ thống vũ khí chống vệ tinh của họ.

Phó Tổng thống Harris nói: “Những vũ khí này nhằm vô hiệu hoá khả năng sử dụng năng lực không gian của Hoa Kỳ bằng cách làm gián đoạn, phá hủy các vệ tinh của chúng ta, vốn rất quan trọng đối với an ninh quốc gia của chúng ta. Rõ ràng những vụ thử này là liều lĩnh và vô trách nhiệm.”

Những cuộc thử nghiệm như vậy gây ra thiệt hại không thể kể xiết, Phó Tổng thống Harris cảnh báo, “khi Trung Quốc và Nga phá hủy các vệ tinh của họ, nó đã tạo ra hàng nghìn mảnh vỡ - những mảnh vỡ giờ sẽ quay quanh trái đất của chúng ta trong nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều chục năm.”

Cho đến nay, Đội Phòng vệ Vũ trụ 18 đã xác định được hơn 1.600 mảnh vỡ từ vụ thử của Nga. Có hơn 2.800 mảnh vỡ vẫn còn trong không gian từ cuộc thử nghiệm của Trung Quốc 15 năm trước. Đội Phòng vệ Vũ trụ 18 theo dõi các mảnh vỡ và vệ tinh để ngăn va chạm.

Phó Tổng thống Harris nói : “Các mảnh vỡ này cũng đặt ra nguy cơ đối với sự an toàn của các phi hành gia, vệ tinh và sự hiện diện thương mại ngày càng tăng của chúng ta.”

Bà kêu gọi tất cả các quốc gia tham gia cùng Hoa Kỳ cam kết không tiến hành các vụ thử tên lửa như vậy. Chính quyền Biden đã bắt đầu xác định và thực hiện các chuẩn mực về hành vi có trách nhiệm trong không gian.

Một ví dụ là Hiệp định Artemis - một tập hợp các nguyên tắc không ràng buộc, dựa trên Hiệp ước Không gian năm 1967 hướng dẫn việc thăm dò và sử dụng không gian của dân sự. 18 quốc gia đã ký Hiệp định, cam kết thực hiện các hành vi có trách nhiệm trong không gian để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thám hiểm không gian, khoa học và thương mại.

Phó Tổng thống Harris cho biết: “Khi chúng tôi tiến lên phía trước, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc đặt ra các quy tắc mới để đảm bảo tất cả các hoạt động không gian được tiến hành một cách có trách nhiệm, hòa bình và bền vững.” Hoa Kỳ sẽ tiếp tục dẫn đầu bằng cách nêu gương.

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG