Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:
Một trong những hành động đầu tiên sau khi nhậm chức của Tổng thống Joe Biden là ban hành một lệnh hành pháp đưa Hoa Kỳ trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận Paris được hội nghị về khí hậu của Liên hợp quốc tại Paris thông qua vào tháng 12/2015. Thỏa thuận có hiệu lực vào ngày 4/11/2016. Liên hợp quốc liệt kê 190 bên tham gia Thỏa thuận tính đến ngày 25/1/2021. Thỏa thuận Paris đặt ra một khung hành động toàn cầu nhằm ngăn chặn hiện tượng trái đất nóng dần lên có thể gây ra thảm họa, đồng thời xây dựng khả năng hồi phục trên toàn cầu đối với các tác động khí hậu mà chúng ta đang trải qua.
Thỏa thuận tìm cách giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C và giới hạn mức tăng ở mức 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này, thời điểm mà nhiều nhà khoa học dự đoán hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ gia tăng, bao gồm mực nước biển dâng gây ra thảm hoạ, bão tố, hạn hán và cháy rừng.
Tổng thống Biden nói rõ rằng vấn đề biến đổi khí hậu là một ưu tiên chính của chính quyền ông. Theo đó, tái gia nhập Hiệp định Paris là một trong những lời hứa quan trọng khi tranh cử của ông Biden. Trong bài phát biểu nhậm chức, ông lưu ý: “Tiếng kêu cứu cho sự sống còn đến từ chính hành tinh. Một tiếng kêu cứu tuyệt vọng nhất và rõ ràng nhất vào lúc này.”
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết việc tái gia nhập Hiệp định Paris là một trong những ưu tiên rộng lớn hơn của Tổng thống Biden trong mục tiêu “xây dựng lại quan hệ đối tác và liên minh của chúng ta trên toàn thế giới và giành lại vị trí của Mỹ trên toàn cầu. Và chúng ta có thể thấy điều đó qua các bằng chứng là ông đưa Hoa Kỳ tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris, tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới, và có kế hoạch tham gia với các đối tác và đồng minh để cùng nhau giải quyết nhiều vấn đề và các mối đe dọa mà chúng ta đang đối diện trên toàn thế giới. ”
Ngoài ra, Tổng thống Biden đã bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng John Kerry làm Đặc phái viên Tổng thống đầu tiên về Khí hậu - để đảm bảo các mối quan tâm về khí hậu được thể hiện tại mọi diễn đàn. Ông Kerry sẽ dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao của Hoa Kỳ nhằm khẳng định lại vai trò lãnh đạo về khí hậu của Hoa Kỳ và nâng cao tham vọng toàn cầu đối phó với thách thức của khí hậu.
Cộng đồng quốc tế hoan nghênh Hoa Kỳ trở lại Hiệp định Paris. Tổng thống Pháp Emanuel Macron nói: "Chúng ta đang cùng nhau. Chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn để đối mặt với những thách thức của thời đại. Mạnh mẽ hơn để xây dựng tương lai của chúng ta. Mạnh mẽ hơn để bảo vệ hành tinh của chúng ta." Tổng thống Macron đăng trên Twitter: "Hoan nghênh Hoa Kỳ trở lại Thỏa thuận Paris!"
Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.