Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:
Tuổi thọ của con người đã tăng hơn gấp đôi trong thế kỷ qua, từ khoảng 35 tuổi lên hơn 70 tuổi - phần lớn nhờ vào nhiều tiến bộ khoa học. Nhưng tại một cuộc diễn thuyết gần đây tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu ở Washington, Giám đốc USAID Samantha Power cảnh báo rằng vào năm 2020, do đại dịch COVID-19, tuổi thọ trung bình đã giảm hai năm.
Bà Power nói: “COVID không chỉ tấn công hệ thống miễn dịch của từng cá nhân; nó còn tấn công hệ thống miễn dịch xã hội của chúng ta - làm suy yếu các hệ thống y tế trên toàn thế giới và khiến chúng ta khó có thể khôi phục lại quá trình tiến lên của mình sau khi đại dịch kết thúc.”
Để loại bỏ những thách thức cơ bản đang gây căng thẳng cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới, Giám đốc USAID nói “chúng ta phải xây dựng khả năng phục hồi bằng cách đoàn kết theo đuổi ba mục tiêu cơ bản.”
“Đầu tiên, chúng ta phải kết thúc cuộc chiến chống lại căn bệnh đã gây ra sự suy giảm tuổi thọ ngay từ đầu - bằng cách biến COVID thành một căn bệnh có thể kiểm soát được ở mọi nơi.”
“Thứ hai, chúng ta cần tăng cường khả năng phòng thủ an ninh y tế toàn cầu trước những đợt bùng phát mới và các mối đe dọa từ đại dịch trong tương lai vì các yếu tố rủi ro tương tự đã khiến COVID lan rộng khắp hành tinh vẫn còn rất nhiều với chúng ta.”
Và cuối cùng, bà lưu ý, chúng ta cần “xây dựng lại khả năng phục hồi của hệ thống y tế bằng cách đầu tư vào những người tạo nên thành phần nòng cốt của các hệ thống này: những nhân viên y tế cơ bản mà chúng ta luôn rất cần.”
Điều này có nghĩa là chuyển từ phòng ngừa và điều trị COVID-19 sang chăm sóc định kỳ, đồng thời tăng cường năng lực toàn cầu để ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với tất cả các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm.
Và, Giám đốic Power cho biết, chúng ta phải đầu tư vào các chuyên gia chăm sóc y tế chính. “Ngày nay, Châu Phi chiếm 1/4 gánh nặng bệnh tật của thế giới, nhưng chỉ có 4% nhân viên y tế ở đó.”
“Nhiều người trong số các nhân viên y tế này bị trả lương thấp đáng kể, hoặc hoàn toàn không được trả lương - một hiện tượng phổ biến khi phụ nữ chiếm ưu thế trong một ngành nghề, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe ban đầu. Một báo cáo gần đây cho thấy tổng cộng có 6 triệu phụ nữ trong lực lượng lao động y tế toàn cầu bị trả lương quá thấp hoặc hoàn toàn không được trả lương. Sáu triệu!"
Giám đốc USAID nói: “Một thế kỷ trước, hầu như không thể tưởng tượng được rằng thế kỷ tiếp theo sẽ mang lại phép màu cho sức khỏe toàn cầu là tăng gấp đôi tuổi thọ… Ngày nay, chúng ta… có thể sử dụng các bài học về đại dịch để xây dựng không chỉ là miễn dịch cá nhân, mà là miễn dịch xã hội của chúng ta – để câu chuyện tiến bộ đáng chú ý này không kết thúc với chúng ta, mà còn xây dựng cho các thế hệ tương lai mai sau.”
Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.