Accessibility links

Breaking News

Lên án chế độ quân sự Myanmar kết tội bà Aung San Suu Kyi


Người biểu tình tuần hành qua các đường phố trong cuộc biểu tình chống chính phủ ở Mandalay, Myanmar, ngày 7/12/2021, một ngày sau khi một tòa án đặc biệt kết án tù bà Aung San Suu Kyi.
Người biểu tình tuần hành qua các đường phố trong cuộc biểu tình chống chính phủ ở Mandalay, Myanmar, ngày 7/12/2021, một ngày sau khi một tòa án đặc biệt kết án tù bà Aung San Suu Kyi.

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:

Chế độ quân sự Myanmar lên nắm chính quyền bằng cuộc đảo chính ngày 1/2/2021 lại vừa tấn công mạnh hơn nữa vào các nhà lãnh đạo dân cử và các thể chế dân chủ của đất nước, đồng thời gia tăng sự đàn áp tàn bạo đối với người dân.

Hôm 6/12, một tòa án đã kết án cựu Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và cựu Tổng thống Win Myint 4 năm tù giam vì cáo buộc kích động công chúng gây bất ổn và vi phạm các quy tắt phòng ngừa COVID-19. Mặc dù chế độ quân sự đã giảm bản án xuống còn hai năm, bà Aung San Suu Kyi và các cựu quan chức dân cử khác vẫn phải đối mặt với nhiều tội danh có thể dẫn đến mấy chục năm tù.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken gọi việc kết tội bà Aung San Suu Kyi và việc đàn áp các quan chức dân cử khác “càng làm tổn hại nền dân chủ và công lý ở Myanmar. Chế độ quân sự Myanmar tiếp tục coi thường pháp quyền và việc sử dụng bạo lực đối với người dân trên khắp Myanmar càng cho thấy sự cấp thiết của việc khôi phục con đường dẫn tới dân chủ cho Myanmar.”

Nhiều thành viên trong cộng đồng quốc tế cũng lên án quyết định của tòa án Myanmar.

Tổ chức Ân xá Quốc tế gọi đó là "chuyện khôi hài và đồi bại." Tổ chức Theo dõi Nhân quyền gọi chuyện đó là “vô căn cứ."

Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet nói: "Việc kết tội Cố vấn Nhà nước sau một phiên tòa giả tạo xử bí mật trước một tòa án do quân đội kiểm soát không có gì khác ngoài động cơ chính trị."

Đại diện Cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh của Liên minh Châu Âu Josep Borrell tuyên bố bản án thể hiện “một bước nữa đối với việc phá bỏ pháp quyền và vi phạm nhân quyền trắng trợn hơn nữa ở Myanmar.”

Kể từ sau cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2, chế độ này đã không ngừng tấn công dữ dội vào các quyền của người dân Myanmar. Lực lượng an ninh đã dùng vũ khí sát thương chống lại những người biểu tình ôn hòa. Chế độ này phải chịu trách nhiệm cho hành động giết hại hơn 1.300 người và giam tù hơn 10.000 người khác.

Ngoại trưởng Blinken kêu gọi chế độ quân sự Myanmar trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và tất cả những người bị giam giữ bất công. “Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi chế độ tham gia đối thoại mang tính xây dựng với tất cả các bên để tìm kiếm một giải pháp hòa bình vì lợi ích của người dân, như đã nhất trí trong Đồng thuận 5 điểm của ASEAN,” Bộ trưởng Blinken nói. “Chúng tôi ủng hộ người dân Myanmar khát vọng tự do và dân chủ và kêu gọi chế độ chấm dứt việc sử dụng bạo lực, tôn trọng ý nguyện của người dân và khôi phục quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar.”

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG