Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:
Trong mấy năm qua, mức cầu hải sản trên toàn thế giới đã vượt quá xa tốc độ sinh sản của các loài thuỷ sản, dẫn đến việc đánh bắt quá mức, đặc biệt là ở những vùng nước dễ tiếp cận. Nhưng do nguồn cá cạn kiệt, việc đánh bắt hải sản phải đi ra biển xa hơn khiến chi phí cho nhiên liệu và nhân công tăng, và nhiều chủ khai thác hải sản đã chuyển sang các phương tiện bất hợp pháp để tăng lợi nhuận.
Một cách để giảm chi phí là sử dụng lao động cưỡng bức. Một báo cáo mới về nạn buôn người trong chuỗi cung ứng thủy sản cho biết: “Các nạn nhân của nạn buôn người được sử dụng trong ngành đánh bắt cá vốn có rủi ro cao,” báo cáo mới về nạn buôn người trong chuỗi cung ứng thủy sản, được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia, gọi tắt là NOAA, đồng trình lên Quốc hội Hoa Kỳ. “Công việc được coi là nguy hiểm và độc hại này thường sử dụng lực lượng lao động có tay nghề thấp, người di cư, dễ bị thay thế, dễ bị buôn bán.”
Hành vi phạm tội này có thể che giấu dễ dàng vì hoạt động đánh bắt cá về bản chất nó đã tự giấu mình ở ngoài khơi. Các tàu cá có khi hàng tháng trời, thậm chí hàng năm trời ở ngoài biển. Điều này khiến những người đánh cá trong tình trạng lao động cưỡng bức gần như không thể trốn thoát, và không thể kêu ca được về tình trạng bị ngược đãi. Nạn nhân buôn người thường xuyên bị ngược đãi cả về tình thần lẫn thể chất, đôi khi dẫn đến tử vong; làm việc ngày đêm; điều kiện sống tồi tệ; lương trả thấp hoặc bị ăn chặn toàn bộ.
Việc sử dụng lao động cưỡng bức trong ngành đánh bắt cá dễ xảy ra ở các quốc gia bất ổn về chính trị với các biện pháp bảo vệ pháp lý yếu kém đối với quyền tự do dân sự và quyền của người lao động cũng như mức độ tham nhũng, tội phạm, bạo lực và nghèo đói cao. Do đó, báo cáo khuyến nghị Hoa Kỳ thực hiện bốn bước để ngăn chặn tai họa này. Trước tiên, Hoa Kỳ phải triển khai hành động trong toàn bộ chính phủ để chống lại nạn buôn người trong chuỗi cung ứng thủy sản, cả trong nước và quốc tế.
Thứ hai, Hoa Kỳ cần thúc đẩy và hỗ trợ các nỗ lực chống buôn người ở các quốc gia được biết là có vấn đề về lao động cưỡng bức trong ngành đánh bắt cá.
Thứ ba, Hoa Kỳ nên thúc đẩy và hỗ trợ các nỗ lực truy xuất nguồn gốc toàn cầu, đồng thời thu hút sự tham gia của ngành đánh bắt cá và các tổ chức phi chính phủ cùng với các bên liên quan khác.
Và cuối cùng, các bước này phải được xây dựng dựa trên các nỗ lực hiện có và cần được tăng cường của Bộ Ngoại giao và NOAA nhằm giải quyết nạn buôn người trong chuỗi cung ứng thủy sản.
Chống buôn người trong lĩnh vực thủy sản là một vấn đề nhân quyền và tội phạm quan trọng và là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Báo cáo mới là một bước quan trọng trong việc tăng cường và điều phối các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm chống lại nạn buôn người trong lĩnh vực thủy sản.
Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.