Accessibility links

Breaking News

Ngày Martin Luther King năm 2022


Một người đi ngang qua bức tranh tường của Tiến sĩ Martin Luther King Jr. trong lễ kỷ niệm Ngày phục vụ cộng đồng MLK ở Washington D.C ngày 18/1/2021. (REUTERS / Brandon Bell)
Một người đi ngang qua bức tranh tường của Tiến sĩ Martin Luther King Jr. trong lễ kỷ niệm Ngày phục vụ cộng đồng MLK ở Washington D.C ngày 18/1/2021. (REUTERS / Brandon Bell)

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:

Nước Mỹ tưởng niệm Mục sư Tiến sĩ Martin Luther King, Jr. vào thứ Hai của tuần thứ ba của tháng 1 hàng năm. Tiến sĩ King là một Mục sư Baptist ở bang miền nam Alabama, và là người đi đầu trong cuộc chiến chống bất bình đẳng chủng tộc ở Hoa Kỳ. Ngày 15 tháng 1 năm 2022 là sinh nhật thứ 93 của ông.

Vào thời điểm bạo lực lan tràn đối với những người Mỹ gốc Phi đang tìm cách thay đổi hệ thống phân biệt chủng tộc trên thực tế tại nhiều khu vực ở Hoa Kỳ, Tiến sĩ King đã lãnh đạo một phong trào dân quyền tập trung vào phản kháng bất bạo động. Bị ảnh hưởng sâu bởi Mahatma Gandhi, Tiến sĩ King đã phát triển sáu nguyên tắc hướng dẫn hành động cho những người tranh đấu cho dân quyền khi họ tổ chức các hoạt động tẩy chay hàng loạt, biểu tình ngồi, tuần hành ôn hoà và các phong trào tranh đấu bất bạo động và bất tuân dân sự khác. Ông trình bày chi tiết các nguyên tắc này trong cuốn sách của ông nhan đề "Sải bước hướng tới tự do."

Nguyên tắc đầu tiên nói rằng bất bạo động là một cách sống cho những người can đảm và là một cách chống lại cái ác.

Thứ hai, bất bạo động tìm cách thu phục được tình bạn và sự hiểu biết và tạo ra sự cứu chuộc và hòa giải.

Tiếp theo, bất bạo động tìm cách đánh bại sự bất công, chứ không phải con người, vì nó thừa nhận rằng những kẻ bất lương không phải là những người xấu xa mà cũng là những nạn nhân.

Nguyên tắc thứ tư cho rằng đau khổ có thể giáo dục và chuyển hóa, và chấp nhận đau khổ mà không cần trả đũa. Đau khổ có khả năng giáo dục và biến đổi.

Theo nguyên tắc thứ năm, bất bạo động chọn tình yêu thay vì căm ghét.

Nguyên tắc thứ sáu về bất bạo động cho rằng vũ trụ đứng về phía công lý. Chưa đầy một tuần trước khi chết, ông tuyên bố rằng "Chúng ta sẽ vượt qua vì vòng cung đạo đức của vũ trụ dài, nhưng nó lại hướng tới công lý." [Ngày 31 tháng 4 năm1968, tại Nhà thờ Quốc gia ở Washington DC]

Thành tựu lớn nhất của Tiến sĩ King và Phong trào Dân quyền là Đạo luật Dân quyền được thông qua vào năm 1964, cấm phân biệt đối xử ở những nơi công cộng, cũng như cấm phân biệt đối xử trong việc làm dựa trên cơ sở chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính hoặc nguồn gốc quốc gia.

Tiến sĩ King bị ám sát vào ngày 4 tháng 4 năm 1968 ở tuổi 39. Nhưng di sản của ông vẫn sống mãi. Trong vòng một thập kỷ, luật phân biệt đối xử đã bị bãi bỏ, và ngày nay phân biệt đối xử là một hành vi vi phạm bị lên án và có thể bị trừng phạt về mặt pháp lý.

Cuộc đời của Tiến sĩ Martin Luther King có thể được đánh giá qua lăng kính tuyên bố của chính ông rằng “Thước đo cuối cùng của một người không phải là nơi anh ta đứng trong những giây phút thoải mái và thuận tiện, mà là nơi anh ta đứng vào những lúc thử thách và tranh cãi”.

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG