Accessibility links

Breaking News

Ngăn chặn buôn lậu động vật hoang dã ở Cộng hòa Dân chủ Congo


Một con tê tê Malay được đưa ra khỏi lồng sau khi bị Cục Động vật hoang dã và Công viên Tự nhiên ở Kuala Lumpur tịch thu. (Ảnh tư liệu)
Một con tê tê Malay được đưa ra khỏi lồng sau khi bị Cục Động vật hoang dã và Công viên Tự nhiên ở Kuala Lumpur tịch thu. (Ảnh tư liệu)

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:

Buôn bán trái phép động vật hoang dã, các bộ phận và sản phẩm của động vật hoang dã là ngành kinh doanh lớn, với các ước tính thận trọng cho thấy giá trị của hoạt động buôn bán bất hợp pháp này là từ 7 đến 23 tỷ đô la mỗi năm. Điều này khiến cho buôn bán động vật hoang dã và các tội phạm liên quan trở thành một trong những ngành kinh doanh bất hợp pháp béo bở nhất. Thật vậy, nạn săn trộm và buôn bán động vật hoang dã có tổ chức của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia và các đơn vị vũ trang đã leo thang đến mức chưa từng có, đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của một số loài bị đe dọa và mang tính biểu tượng nhất thế giới.

Cộng hòa Dân chủ Congo, hay DRC, là một trong mười bảy quốc gia đa dạng sinh học lớn trên thế giới và là nơi sinh sống của hơn 400 loài động vật có vú, hơn 1.000 loài chim, hơn 400 loài cá và hơn 10.000 loài thực vật. Tại đây có một số lượng lớn các loài đặc hữu – là những sinh vật không sống ở nơi nào khác. Thật không may, sự đa dạng sinh học phong phú, lịch sử bất ổn và tệ nạn tham nhũng cao khiến DRC trở thành mục tiêu hàng đầu của các mạng lưới tội phạm đang tìm cách chuyển ngà voi, vảy tê tê, sừng tê giác và các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp khác từ châu Phi sang châu Á.

Chính phủ Hoa Kỳ đang làm việc với DRC để giúp bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở đây vì lợi ích của người dân Congo. Vào đầu tháng 11, cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ đã bắt giữ hai người Congo buôn lậu ở bang Washington của Hoa Kỳ. Cùng lúc đó, nhà chức trách Congo tại thủ đô Kinshasa đã thu giữ được ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê trị giá khoảng 3,5 triệu đô la của bọn buôn lậu. Hoạt động này là kết quả của nỗ lực hợp tác kéo dài hơn hai năm giữa Cơ quan An ninh Ngoại giao của Bộ Ngoại giao tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Kinshasa, Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa Hoa Kỳ và Chính phủ DRC nhằm ngăn chặn hoạt động buôn bán động vật hoang dã.

Trong một bước khác của nỗ lực phá vỡ các mạng lưới buôn bán động vật hoang dã, vào ngày 13 tháng 12, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra lệnh hạn chế thị thực đối với tám công dân Cộng hòa Dân chủ Congo vì tội buôn bán động vật hoang dã.

“Buôn bán động vật hoang dã là một tội phạm xuyên quốc gia nghiêm trọng đe dọa an ninh quốc gia, sự thịnh vượng kinh tế, pháp quyền, các nỗ lực bảo tồn lâu đời và sức khỏe con người do việc lây lan dịch bệnh từ động vật. DRC là một trung tâm chính của hoạt động buốn bán trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã từ châu Phi sang châu Á và Trung Đông,” Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết.

Ông nói: “Chính sách hạn chế thị thực này được đặt ra để làm gián đoạn hơn nữa các hoạt động kinh doanh của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến buôn bán động vật hoang dã và gỗ, khiến cho việc buôn lậu gỗ và động vật hoang dã của bọn chúng khó thực hiện hơn”.

“Chúng tôi đang gởi một thông điệp rõ ràng rằng những kẻ buôn lậu gỗ và động vật hoang dã không được chào đón ở Hoa Kỳ.”

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG