Accessibility links

Breaking News

Nga xuất khẩu đói kém và khổ đau ra xa hơn Ukraine


Cảng Mariupol, ngày 29/4/2022 (Ảnh tư liệu)
Cảng Mariupol, ngày 29/4/2022 (Ảnh tư liệu)

Hải quân Nga phong tỏa Biển Đen, không cho Ukraine vận chuyển lương thực đến các thị trường xuất khẩu thông thường của họ. Có khoảng 20 triệu tấn lúa mì bị tồn đọng trong các kho chứa gần Odessa và những con tàu chất đầy ngũ cốc vẫn đang mắc kẹt ở cảng Odessa.

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:

Từ năm 2016 đến năm 2021, số người gặp tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng từ 100 triệu lên 160 triệu người. Có nhiều lý do giải thích cho sự gia tăng không mong muốn này, bao gồm xung đột, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm, và do đó, lạm phát tăng cao.

Nhưng tình hình trở nên tồi tệ hơn nhiều sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin xua quân xâm lược Ukraine. Hành động của ông Putin đã gây ra đau khổ khủng khiếp ở Ukraine, và đã “tác động nghiêm trọng đến an ninh lương thực toàn cầu, bởi vì Ukraine là một trong những vựa lúa của thế giới,” Ngoại trưởng Antony Blinken mới đây nói.

“Hải quân Nga phong tỏa Biển Đen, không cho Ukraine vận chuyển lương thực đến các thị trường xuất khẩu thông thường của họ. Có khoảng 20 triệu tấn lúa mì bị tồn đọng trong các kho chứa gần Odessa và những con tàu chất đầy ngũ cốc vẫn đang mắc kẹt ở cảng Odessa. Các lực lượng Nga đã chiếm được một số vùng đất nông nghiệp trù phú nhất của Ukraine. Họ gài bom mìn trên khắp các cánh đồng. Họ đã phá hủy cơ sở hạ tầng nông nghiệp quan trọng.”

Phát biểu tại một cuộc thảo luận bàn tròn trực tuyến về "Các vấn đề an ninh lương thực phát sinh từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga", Ngoại trưởng Blinken nói rằng những hành động này là có chủ ý.

“Tổng thống Putin đang chặn việc vận chuyển lương thực lại và mạnh tay sử dụng bộ máy tuyên truyền để làm chệch hướng hoặc bóp méo trách nhiệm vì ông ấy hy vọng nó sẽ khiến thế giới phải khuất phục và chấm dứt các lệnh trừng phạt.”

Về phần mình, Hoa Kỳ đã xây dựng một kế hoạch hành động tập trung vào năm mục tiêu quan trọng.

Thứ nhất, Hoa Kỳ đang cung cấp viện trợ để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết - bao gồm hơn 2,8 tỷ đô la cho an ninh lương thực và các hỗ trợ nhân đạo khác kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine.

Thứ hai, Hoa Kỳ đang làm việc với các quốc gia khác để giảm thiểu tình trạng thiếu phân bón toàn cầu.

Thứ ba, Hoa Kỳ đang thúc đẩy năng lực nông nghiệp và khả năng phục hồi thông qua sáng kiến Nuôi dưỡng Tương lai.

Thứ tư, Hoa Kỳ đang cố giảm nhẹ những cú sốc kinh tế vĩ mô từ cuộc khủng hoảng này bằng cách nỗ lực tăng cường các chương trình hỗ trợ tài chính trên toàn thế giới.

Và cuối cùng, Hoa Kỳ sẽ sử dụng các nguồn lực ngoại giao của mình để liên tục tham gia về chủ đề này với các nước đối tác, cũng như với các tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân.

Ngoại trưởng Blinken nói: “Chúng tôi không thể chờ đợi Tổng thống Putin làm điều đúng. Thế giới phải khẩn trương và cùng nhau ứng phó với tình huống khẩn cấp này."

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG