Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:
Một chủ đề chính của cuộc họp gần đây của các ngoại trưởng G7 tại Nhật Bản là làm thế nào các quốc gia thành viên có thể kết hợp sức mạnh chính trị và kinh tế của họ “để hỗ trợ các quốc gia trên mọi châu lục giải quyết các thách thức về lương thực, năng lượng, khí hậu, cơ sở hạ tầng và công nghệ,” Ngoại trưởng Antony Blinken nói:
“Điều đó có nghĩa là định hình một hệ thống quốc tế toàn diện hơn – bao gồm cả cải cách của Liên hợp quốc, làm cho hệ thống tài chính quốc tế đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế của các quốc gia và tìm ra các hình thức tham vấn mới lắng nghe nhiều tiếng nói hơn. Điều đó có nghĩa là cung cấp cho nhiều quốc gia hơn những cách thức tốt hơn, bền vững hơn và công bằng hơn để phát triển thịnh vượng, đồng thời tôn trọng chủ quyền của họ. Từ Trung Á đến Quần đảo Thái Bình Dương, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Trung Đông, mục tiêu của chúng tôi là mang đến cho các nhà lãnh đạo và công dân những lựa chọn tốt hơn – không bị ép buộc, không bị bẫy nợ và ảnh hưởng xấu.”
Các quốc gia G7 cũng thảo luận về những thách thức đối với một hệ thống quốc tế tự do, cởi mở, an toàn và thịnh vượng, đáng chú ý nhất là cuộc chiến của Nga xâm lăng Ukraine, Ngoại trưởng Blinken lưu ý:
“Chúng tôi cam kết với Ukraine: với sự hỗ trợ về kinh tế và an ninh mà nước này cần ngày hôm nay để bảo vệ chủ quyền và người dân của mình, đồng thời về lâu dài để đảm bảo rằng Ukraine không chỉ tồn tại, mà còn phát triển mạnh - và răn đe Nga đừng có gây hấn thêm nữa.
Đối với Trung Quốc, các quốc gia G7 “nhất trì về sự cần thiết phải thảo luận thẳng thắn với Bắc Kinh về các hoạt động thương mại không công bằng của họ, các hành động làm suy yếu các quy tắc quốc tế mà tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi, và nguy cơ nếu họ thất hứa và bắt đầu cung cấp vũ khí cho Nga,” Ngoại trưởng Blinken cảnh báo. “Và, tất nhiên, chúng tôi thống nhất nói rõ với Bắc Kinh rằng chúng tôi phản đối việc đơn phương thay đổi hiện trạng với Đài Loan.”
Các cuộc thảo luận cũng tập trung vào sự nguy hiểm của việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Blinken cám ơn Nhật Bản đã đặt ưu tiên cao vào việc chống lại các mối đe dọa hạt nhân:
“Bao gồm các vụ phóng tên lửa đạn đạo nguy hiểm của CHDCND Triều Tiên; Việc Iran mở rộng các hoạt động hạt nhân của mình, trong đó có hoạt động của các máy ly tâm tiên tiến và tích lũy uranium được làm giàu ở mức độ cao, mà nước này không có lời giải thích hoặc có mục đích dân sự đáng tin cậy nào; Nga đình chỉ hiệp ước START mới và những phát ngôn về vũ khí hạt nhân vô trách nhiệm; và việc Trung Quốc nhanh chóng xây dựng kho vũ khí hạt nhân của riêng họ.”
Các bộ trưởng ngoại giao G7 cam kết thúc đẩy các xã hội cởi mở, minh bạch, kiên cường và bền vững, bảo vệ nhân quyền, công bằng và nhân phẩm, đồng thời giải quyết nhu cầu của những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất.
Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.