Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:
Chương trình Đối tác Thái Bình Dương là sứ mệnh hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai đa quốc gia thường niên lớn nhất được thực hiện ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chương trình có gần 1.500 nhân sự và là nỗ lực chung giữa Australia, Canada, Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.
Chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2023 được chỉ huy bởi Đại tá Hải quân Hoa Kỳ Claudine Caluori. Bà còn là Tư lệnh Hải đội Khu trục 31, có trụ sở tại Trân Châu Cảng, Hawaii.
Đại tá Clauori nói: “Chương trình Đối tác Thái Bình Dương ra đời sau sự tàn phá của trận sóng thần tháng 12 năm 2004, quét qua các khu vực Nam và Đông Nam Á, và bắt đầu như một hoạt động ứng phó nhân đạo đối với một trong những thảm họa thiên nhiên thảm khốc nhất thế giới.
“Vì vậy, theo lời mời của chủ nhà và các quốc gia, các đối tác trong sứ mệnh của chúng tôi đến thăm và tiến hành các hoạt động chuẩn bị hành động dân sự nhân đạo phù hợp trong các lĩnh vực như kỹ thuật, ứng phó thảm họa, y tế công cộng và các sự kiện tiếp cận cộng đồng”.
Đại tá Caluori lưu ý rằng kể từ năm 2004, Chương trình Đối tác Thái Bình Dương đã chuyển từ trọng tâm chính là cung cấp dịch vụ chăm sóc trực tiếp sang tập trung vào xây dựng năng lực.
“Vì vậy, bất kỳ sự chăm sóc trực tiếp nào được cung cấp sẽ là nỗ lực chung với quốc gia sở tại và các quốc gia đối tác. Và mục đích là chúng tôi chia sẻ kiến thức và kỹ năng lâu dài và có thể áp dụng tốt sau khi nhiệm vụ hoàn thành”.
Một số nỗ lực cứu trợ gần đây bao gồm vụ phun trào núi lửa và sóng thần năm 2022 ở Tonga; các nỗ lực cứu trợ Bão Yutu năm 2018 ở Quần đảo Bắc Mariana; và các nỗ lực cứu trợ năm 2011 trong Chiến dịch Tomodachi ở Nhật Bản sau trận động đất và sóng thần ở Tohoku.
Sứ mệnh năm 2023 hiện đang được thực hiện ở Thái Bình Dương với các điểm dừng ở Việt Nam, Philippines, Malaysia, Fiji, Samoa, Palau và Papua New Guinea, và sẽ tiếp tục đến cuối năm với điểm dừng ở Tonga.
Đại tá Caluori lưu ý rằng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “nằm trong cái mà các nhà khoa học gọi là Vành đai lửa Thái Bình Dương, và vấn đề không phải là liệu có hay không, mà là khi nào chúng ta cần hợp tác cùng nhau để ứng phó với thiên tai”:
“Vì vậy, Hoa Kỳ và các đối tác của chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ khi được yêu cầu”.
Đại tá Caluori cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nhiệm vụ đa phương như Chương trình Đối tác Thái Bình Dương trong việc thúc đẩy tình hữu nghị và hợp tác lâu dài. Bà tuyên bố: “Việc có được Chương trình Đối tác Thái Bình Dương này sẽ tiếp tục xây dựng niềm tin giữa các quốc gia để cùng nhau hợp tác hiệu quả và điều quan trọng là duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.