Accessibility links

Breaking News

Phóng thành công phi thuyền thám hiểm mặt trăng Artemis 1


Tên lửa mặt trăng mới của NASA cất cánh từ Bệ phóng 39B tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral, Florida, ngày 16/11/2022
Tên lửa mặt trăng mới của NASA cất cánh từ Bệ phóng 39B tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral, Florida, ngày 16/11/2022

Rạng sáng ngày 16 tháng 11, tên lửa mặt trăng Artemis 1 được phóng thành công từ Trung tâm vũ trụ Kennedy, bắt đầu hành trình của phi thuyền Orion bay quanh Mặt trăng và đánh dấu một bước quan trọng hướng tới mục tiêu đưa con người trở lại Mặt trăng vào năm 2025.

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:

Rạng sáng ngày 16 tháng 11, tên lửa mặt trăng Artemis 1 được phóng thành công từ Trung tâm vũ trụ Kennedy, bắt đầu hành trình của phi thuyền Orion bay quanh Mặt trăng và đánh dấu một bước quan trọng hướng tới mục tiêu đưa con người trở lại Mặt trăng vào năm 2025. NASA đã đặt tên cho chương trình thám hiểm mặt trăng này là Artemis, theo tên người chị em song sinh của thần Apollo nhằm đánh dấu sự thành công của cuộc đổ bộ lên mặt trăng của chương trình Apollo. Chuyến bay cuối cùng của chương trình Apollo lên Mặt trăng diễn ra vào tháng 12 năm 1972.

"Tất cả chúng ta đều là một phần của một điều hết sức đặc biệt, lần phóng đầu tiên của chương trình Artemis, bước đầu tiên đưa đất nước của chúng ta trở lại Mặt trăng và lên sao Hỏa," Giám đốc Artemis 1 Charlie Blackwell-Thompson nói với nhóm phóng phi thuyền của ông sau cuộc phóng. "Những gì các bạn làm sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo."

Cuộc phóng Artemis 1 được thực hiện sau hơn một thập kỷ nghiên cứu, chế tạo và chuẩn bị và liên tục bị trì hoãn do thời tiết và các sự cố kỹ thuật. Theo NASA, phi thuyền Orion sẽ bay khoảng 40.000 dặm bên ngoài mặt xa của Mặt trăng, xa hơn bất kỳ tàu vũ trụ nào mà con người từng làm được. Chuyến bay thử nghiệm của Artemis 1 dự kiến sẽ kết thúc với việc phi thuyền Orion đáp xuống Thái Bình Dương vào ngày 11 tháng 12.

“Việc phóng thành công Artemis 1 là kết quả của những nỗ lực hợp tác nhằm khám phá không gian, đạt được sự hiện diện bền vững trên Mặt trăng vào cuối thập kỷ này và chuẩn bị thực hiện sứ mệnh lịch sử của con người tới sao Hỏa,” Ngoại trưởng Antony Blinken nói trong một tuyên bố.

“Thông qua chương trình Artemis, Hoa Kỳ đang xây dựng một liên minh thám hiểm không gian quốc tế rộng lớn và đa dạng nhất trong lịch sử có con người, tập trung vào việc thực hiện các khám phá khoa học và công nghệ để thúc đẩy các nỗ lực không gian sâu rộng của chúng ta và mang lại nhiều lợi ích cho hành tinh quê hương của chúng ta,” Ngoại trưởng Blinken nói. “Chúng tôi mong muốn được tiếp tục làm việc với các đối tác quốc tế trong các nhiệm vụ tương lai.”

Với Thỏa ước Artemis, Bộ Ngoại giao và NASA đang tập hợp các quốc gia lại với nhau thông qua một bộ nguyên tắc chung dựa trên Hiệp ước Ngoài Không gian năm 1967 để hướng dẫn việc khám phá không gian dân sự và tạo tiền đề cho sự hợp tác hòa bình, có trách nhiệm và hiệu quả trong không gian.

Với việc phóng thành công Artemis 1, NASA đang tiến một bước gần hơn đến việc đưa loài người trở lại Mặt trăng. Là phi hành gia cuối cùng bước trên bề mặt miệng núi lửa của Mặt trăng, Eugene Cernan, nói rằng "chúng tôi rời đi khi chúng tôi đến và, theo ý Thượng đế, chúng tôi sẽ trở lại, với hòa bình và hy vọng cho toàn thể nhân loại."

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG