Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:
Buôn bán người, hay buôn người, Ngoại trưởng Antony Blinken nói “là một sự xúc phạm đến nhân quyền; xúc phạm đến phẩm giá con người ... Chúng ta biết điều đó gây bất ổn cho xã hội và các nền kinh tế. Vì vậy, chúng ta phải làm tất cả những gì có thể với tư cách là một quốc gia, cũng như một cộng đồng toàn cầu, để ngăn chặn nạn buôn người ở bất cứ nơi nào nó xảy ra.”
Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính gần 25 triệu người trên thế giới là nạn nhân của nạn buôn người. Hoa Kỳ công nhận hai hình thức buôn bán người: lao động cưỡng bức và buôn bán tình dục. Nhiều người bị ép buộc vào hoạt động mại dâm. Nhiều người bị buộc phải làm việc trong các nhà máy, hầm mỏ, đồng áng hoặc tham gia các nhóm vũ trang.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 1/7 phổ biến phúc trình về Buôn bán Người hàng năm. Đây là báo cáo toàn diện nhất trên thế giới, đánh giá khách quan các nỗ lực chống buôn người của các chính phủ trên toàn cầu, kể cả Hoa Kỳ. “Những tên buôn người liên tục thay đổi chiêu thức của bọn chúng, do đó mọi quốc gia, kể cả Hoa Kỳ, phải liên tục điều chỉnh các chiến lược để đi trước bọn chúng.” Cũng cần phải chú ý đến những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong nạn buôn người.
Ngoại trưởng Blinken nói: “Những kẻ buôn người lợi dụng cơ hội này để đẩy mạnh hoạt động của chúng. Những người bị đại dịch đẩy vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn trở nên dễ bị bóc lột hơn. Và khi ngày càng có nhiều người làm việc và học trực tuyến, những kẻ buôn người đã lợi dụng Internet để thu hút và lừa ép những người dễ trở thành nạn nhân của bọn chúng.”
Ngoại trưởng Blinken cho biết rằng báo cáo năm nay cũng tập trung vào nạn buôn người được nhà nước bảo trợ.
“Chúng tôi ghi nhận 11 quốc gia mà chính phủ là kẻ buôn người - ví dụ: thông qua lao động cưỡng bức trong các dự án công hoặc trong các lĩnh vực của nền kinh tế mà chính phủ cho là đặc biệt quan trọng.”
Cuối cùng, “Báo cáo thừa nhận rõ ràng mối liên hệ giữa bất bình đẳng hệ thống và nạn buôn người. Đây là điều mà nhiều quốc gia phải chật vật đối phó, kể cả Hoa Kỳ.” Đó là bởi vì những kẻ buôn người nhắm vào các cộng đồng và những nhóm người bị thiệt thòi, những cá nhân không có khả năng báo cáo bị lạm dụng hoặc những người ít có khả năng được tin tưởng khi họ báo cáo rằng họ đang bị nhắm mục tiêu hoặc bị lạm dụng.
Ngoại trưởng Blinken nói: “Nếu chúng ta nghiêm túc về việc chấm dứt nạn buôn bán người, chúng ta cũng phải nỗ lực loại bỏ nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và các hình thức phân biệt đối xử khác và xây dựng một xã hội bình đẳng hơn trong mọi khía cạnh.”
“Những thách thức cấp bách nhất mà thế giới của chúng ta phải đối mặt không thể giải quyết được bởi một quốc gia nào hành động một mình. … Chúng ta cần phải cùng nhau hành động, chia sẻ thông tin và chịu trách nhiệm với nhau. Đó là cách chúng ta sẽ tạo ra một thế giới nơi không ai bị lợi dụng bởi nạn buôn người và mọi người đều có thể sống trong an toàn và phẩm giá."
Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.