Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:
Hàng năm vào ngày 11 tháng 5, Hoa Kỳ kỷ niệm Ngày Nhân quyền Việt Nam - một ngày để ghi nhớ tầm quan trọng của việc thúc đẩy các quyền tự do cơ bản bao gồm tự do ngôn luận, hội họp, lập hội và tôn giáo.
Việt Nam vẫn là một nhà nước chuyên chế do một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam cai trị. Theo báo cáo nhân quyền mới nhất của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về Việt Nam, “Không có thay đổi đáng kể nào về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm qua.”
Dựa trên báo cáo của các phương tiện truyền thông, tổ chức phi chính phủ và các nhà quan sát, tính đến ngày 31 tháng 10, chính quyền Việt Nam đã giam giữ ít nhất 187 người vì các hoạt động chính trị hoặc nhân quyền, trong đó có 162 người bị kết án và 25 người bị tạm giam chờ xét xử. Theo các phương tiện truyền thông và các nhóm nhân quyền, từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 31 tháng 10, chính quyền đã bắt giữ 25 cá nhân và kết án 23 người đang thực hiện các quyền con người được quốc tế công nhận như quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp ôn hòa và lập hội. Hầu hết các vụ bắt giữ và kết án này đều có liên quan đến việc viết blog trực tuyến.
Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định quyền tự do ngôn luận, bao gồm cả quyền tự do ngôn luận của giới báo chí và các phương tiện truyền thông khác; tuy nhiên, theo báo cáo nhân quyền, chính phủ không tôn trọng những quyền này. Chính phủ tiếp tục sử dụng các điều khoản mơ hồ về an ninh quốc gia và chống phỉ báng trong luật để hạn chế quyền tự do ngôn luận.
Chính phủ Việt Nam hạn chế ngôn luận chỉ trích cá nhân lãnh đạo chính phủ hoặc đảng, thúc đẩy chủ nghĩa đa nguyên chính trị hoặc dân chủ đa đảng, hoặc đặt câu hỏi về các chính sách về các vấn đề nhạy cảm, chẳng hạn như nhân quyền, tự do tôn giáo, tranh chấp chủ quyền với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hoặc cưỡng chế thu hồi đất đai.
Báo cáo nhân quyền lưu ý rằng các nhà báo độc lập tiếp tục phải đối mặt với những hạn chế về quyền tự do đi lại, các hình thức quấy nhiễu khác và tấn công thân thể nếu họ đưa tin về các chủ đề nhạy cảm. Chính phủ cũng giám sát các cuộc họp và thông tin liên lạc của các nhà báo. Chính phủ trừng phạt các nhà báo vì không tự kiểm duyệt, bao gồm cả việc thu hồi thẻ nhà báo.
Theo Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế mới nhất, chính phủ Việt Nam tiếp tục “kiểm soát gắt gao các hoạt động tôn giáo.” Thật vậy, gần đây Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những bản án đối với những người ủng hộ tự do tôn giáo và những người dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Năm vụ kết án như vậy đã xảy ra kể từ tháng Một.
Như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller nói: “Chúng tôi kêu gọi Việt Nam tôn trọng quyền của các cá nhân trong việc thực hiện các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng.” Ông nói thêm: “Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ oan uổng.”
Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.