Vấn đề với xuất khẩu lao động của Trung Quốc

Công nhân Ethiopia sản xuất giày dép tại nhà máy Huajian của Trung Quốc đặt tại khu công nghiệp Lebu gần Addis Ababa, Ethiopia. (Ảnh tư liệu)

Công nhân Ethiopia sản xuất giày dép tại nhà máy Huajian của Trung Quốc đặt tại khu công nghiệp Lebu gần Addis Ababa, Ethiopia. (Ảnh tư liệu)

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:

Người dân ở nhiều nước vui mừng khi các quan chức của họ ký các thỏa thuận với chính phủ và các công ty Trung Quốc - thường là giống nhau - để xây dựng nhà máy, bến cảng và hay cơ sở hạ tầng trên quê hương của họ.

Ông Robert Destro, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, lưu ý rằng mơ ước của người dân địa phương có thêm công ăn việc làm thường không thành hiện thực. “Ví dụ, ở Ethiopia,” ông nói, “người lao động được nhập khẩu từ Trung Quốc sang xâm lấn thị trường lao động của người dân địa phương Ethiopia.”

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các nước khác - từ Việt Nam đến Jamaica - nơi Trung Quốc đã đưa hàng trăm nghìn công nhân của họ đến làm việc.

Nhưng không chỉ người lao động địa phương bị tổn thương bởi các chính sách của chính phủ và các công ty Trung Quốc. Bản thân các công nhân Trung Quốc thường là nạn nhân - bị cưỡng bức lao động trong điều kiện lao động khổ cực và không an toàn. Họ thường phải trả phí hoặc tiền đặt cọc. Điều này khiến họ dễ bị ép buộc trở thành con nợ; giờ làm việc dài mà mức lương thường thấp và lại bị chậm trả quá lâu. Trợ lý Bộ trưởng Destro nói công nhân Trung Quốc “bị coi như hàng hóa chứ không phải con người”.

Đơn cử một trường hợp ở Hoa Kỳ về sự lạm dụng này. Vào tháng 3 năm 2019, ông Dan Zhong, một cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc và là giám đốc điều hành các hoạt động ở Hoa Kỳ của một công ty xây dựng của Trung Quốc, đã bị bồi thẩm đoàn liên bang ở New York kết tội cưỡng bức lao động và các tội danh liên quan. “Những người lao động ở đây bị buộc làm việc bảy ngày một tuần, không được trả lương và phải ở trong căn nhà tồi tàn với hàng chục người khác. Họ bị canh giữ bởi những tên lính canh, và nếu họ trốn thì những tên lính canh đó sẽ truy lùng và kéo họ trở lại,” Trợ lý Giám đốc FBI William Sweeney nói. "Ông Zhong và những người khác tin rằng họ có thể thoát tội buôn người và cưỡng bức lao động ở đất nước này vì chính phủ Trung Quốc coi thường luật pháp nơi họ hoạt động, nhưng giờ đây họ sẽ phải đối mặt với công lý cho những tội ác mà họ đã vi phạm trong những trường hợp như thế này.”

Sự coi thường luật pháp của chính phủ Trung Quốc và những người thừa hành gây ra những ảnh hưởng sâu rộng và có hại, không chỉ đối với công dân Trung Quốc đang bị kiểm soát tàn bạo ở Trung Quốc, mà còn đối với người lao động, bao gồm cả người lao động Trung Quốc, trên khắp thế giới. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thúc đẩy cho sự minh bạch và trách nhiệm giải trình, để các quyền và tự do cơ bản của tất cả mọi người, bao gồm cả quyền lao động của họ, được công nhận và tôn vinh.

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.