Định danh các cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc ở Hoa Kỳ

Damaged entrance of China's official Xinhua news agency in Hong Kong, China. (File)

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:

Hoa Kỳ tiếp tục ngăn chặn tuyên truyền của cộng sản Trung Quốc. Gần đây nhất, Bộ Ngoại giao đã định danh các hoạt động tại Hoa Kỳ của sáu công ty truyền thông Trung Quốc là cơ quan đại diện nước ngoài, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết.

“Tất cả các tổ chức đó do một chính phủ nước ngoài chủ quản hoặc trực tiếp kiểm soát . . . Chúng tôi chỉ đơn giản muốn đảm bảo rằng người dân Hoa Kỳ, những người sử dụng thông tin, có thể phân biệt giữa tin tức do báo chí tự do viết và tin tức tuyên truyền do chính Đảng Cộng sản Trung Quốc phát tán. Chúng khác nhau.”

Sáu thực thể của Trung Quốc được định danh theo Đạo luật Phái bộ Nước ngoài bao gồm Yicai Global, Jiefang Daily, Tin buổi tối Xinmin, Khoa học Xã hội của China Press, Beijing Review và Economic Daily.

Trong thập kỷ qua, và đặc biệt dưới nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khẳng định quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các cơ sở tuyên truyền được nhà nước hậu thuẫn.

Bản thân Tổng Bí thư Tập đã tuyên bố, “Các phương tiện truyền thông của Đảng phải. . . thể hiện ý chí của đảng, bảo vệ quyền lực của đảng. . . Hành động của họ phải nhất quán cao với đảng." Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus nói rằng trong khi các phương tiện truyền thông tự do trên khắp thế giới tin tưởng vào sự thật, thì các phương tiện truyền thông của Trung Quốc tin tưởng sự thật của ĐCSTQ.

Quyết định chỉ định sáu tổ chức này không đặt ra bất kỳ hạn chế nào đối với những gì các tổ chức này có thể xuất bản tại Hoa Kỳ. Nó chỉ đơn giản xác định các tổ chức này là ai và làm việc gì – đó là các cơ quan tuyên truyền do Trung Quốc kiểm soát.

Quyết định này theo sau quyết định ngày 22/6 định danh Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, Vụ Tin tức Trung Quốc, Nhân dân Nhật báo và Hoàn cầu Thời báo và quyết định ngày 18/2 định danh Tân Hoa xã, Mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, Tổng công ty China Daily Distribution, và Hai Tian Development USA.

Các tổ chức được định danh là cơ quan đại diện nước ngoài phải tuân thủ một số yêu cầu nhất định nhằm tăng tính minh bạch liên quan đến các hoạt động truyền thông của chính phủ của họ tại Hoa Kỳ.

Người phát ngôn Ortagus cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là bảo vệ quyền tự do báo chí ở Hoa Kỳ và đảm bảo người dân Hoa Kỳ biết được các tin tức họ nhận được là từ báo chí tự do hay từ một chính phủ nước ngoài độc hại. Tính minh bạch không đe dọa những người coi trọng sự thật.”

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.