Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:
Ngoại trưởng Antony Blinken nói nạn buôn người “vi phạm quyền phổ quát của mỗi người được tự chủ về cuộc sống và hành động của chính mình.”
“Ngày nay, hơn 27 triệu người trên khắp thế giới bị từ chối quyền đó. Buôn người gây hại cho xã hội của chúng ta, làm suy yếu luật pháp, làm hỏng chuỗi cung ứng, bóc lột người lao động, thúc đẩy bạo lực. Và nó tác động không tương xứng đến các nhóm yếu thế: phụ nữ, LGBTQI+, người khuyết tật, dân tộc và tôn giáo thiểu số.”
Ngày 15 tháng 6, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo thường niên về buôn bán người, đánh giá toàn diện nhất thế giới về những nỗ lực của các chính phủ, bao gồm cả Hoa Kỳ, nhằm chống lại tội ác khủng khiếp này.
“Báo cáo năm nay cho thấy một bức tranh về sự tiến bộ ổn định trên toàn thế giới,” Ngoại trưởng Blinken cho biết, “với hàng chục quốc gia đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc ngăn chặn nạn buôn người, bảo vệ những người sống sót, truy tố những kẻ thực hiện tội ác này.”
Ông lấy ví dụ về Seychelles, nơi chính phủ đào tạo nâng cao cho cảnh sát và nhân viên sân bay để phát hiện tốt hơn nạn buôn người; Hong Kong, nơi đã thành lập một đường dây nóng mới để giúp các nạn nhân buôn người báo cáo các vụ lừa đảo việc làm ở nước ngoài và tìm sự trợ giúp; Đan Mạch, nước cam kết nhiều nguồn lực hơn để tìm nạn nhân và truy tố những kẻ buôn người.
Ngoại trưởng Blinken cho biết báo cáo cũng nhấn mạnh một số xu hướng đáng lo ngại.
“Đầu tiên là nạn lao động cưỡng bức tiếp tục mở rộng. Khi đại dịch làm gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn thế giới… những người chủ bóc lột đã sử dụng hàng loạt chiến thuật để lợi dụng những người lao động bị trả lương thấp hơn và dễ bị tổn thương hơn.
“Thứ hai là sự gia tăng nạn buôn bán người lao động bằng cách lừa đảo trực tuyến… Những kẻ buôn người lợi dụng tình trạng thất nghiệp tràn lan để thuê mướn nạn nhân bằng quảng cáo việc làm giả và sau đó buộc nạn nhân thực hiện các vụ lừa đảo xuyên biên giới.
“Thứ ba, báo cáo phơi bày những rủi ro mà nhóm nạn nhân buôn người thường bị quên lãng phải đối mặt: các bé trai và nam thanh niên.”
Ngoại trưởng Blinken cho biết thực tế là bất kỳ ai, không phân biệt giới tính hay tư tưởng giới tính, đều có thể là mục tiêu của những kẻ buôn người. “Đó là lý do tại sao các chính phủ, xã hội dân sự, khu vực tư nhân – phải phát triển các nguồn lực cho mọi người dân.”
“Chúng tôi cần giới chấp pháp truy tố những kẻ buôn người. Chúng tôi cần nhân viên xã hội chăm sóc cho các nạn nhân bị sang chấn tâm lý. Chúng tôi cần những người kêu gọi các chính phủ chịu trách nhiệm. Chúng tôi cần cộng đồng hợp sức với nhau để hỗ trợ các nạn nhân.”
Ngoại trưởng Blinken nói Hoa Kỳ vẫn cam kết thực hiện nhiệm vụ quan trọng là “chấm dứt nạn buôn người một lần và mãi mãi”.
Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.