Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:
Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, hàng triệu người có thể gặp rủi ro vì các đợt nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán và lũ lụt -- John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Khí hậu, lưu ý trong bài phát biểu ngày 20 tháng 7. Nhưng ông cũng nói thêm rằng có một cách để giảm sự gia tăng của nhiệt độ toàn cầu:
“Vẫn còn thời gian cho mục tiêu kéo mức tăng của nhiệt độ về mức an toàn 1,5 độ C trong tương lai. Nhưng chỉ khi mọi nền kinh tế lớn cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính một cách có ý nghĩa trước năm 2030, đó là cách duy nhất để đưa thế giới đi theo hướng đáng tin cậy là tiến tới trạng thái lượng phát thải carbon dioxide bằng không trên toàn cầu vào giữa thế kỷ.”
Trong chuyến thăm Tokyo vào cuối tháng 8, Đặc phái viên Kerry đã thảo luận về nỗ lực chống biến đổi khí hậu của hai nước. Hoa Kỳ là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ hai, sau Trung Quốc. Nhật Bản đứng thứ bảy trong danh sách đó.
Nhật Bản cam kết đạt được một số mục tiêu đầy tham vọng trong vòng 30 năm tới. Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Shinjiro Koizumi, ông Kerry nói:
“Nhật Bản đã đưa ra một số quyết định khó khăn, Nhật Bản đặt mục tiêu giảm 45, 46 đến 50% lượng khí thải trong 10 năm tới trên con đường đạt tới mức thuần không vào năm 2050.”
Rõ ràng là các biện pháp kiểm soát phát thải khí nhà kính phải tăng tốc nếu mức tăng nhiệt độ toàn cầu cần giới hạn ở mức 1,5 độ C. Do đó, trong khuôn khổ Đối tác Khí hậu Hoa Kỳ-Nhật Bản, hai nước đồng ý tăng cường hợp tác về đổi mới trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, thu giữ carbon và khử carbon trong công nghiệp, đồng thời hỗ trợ Sứ mệnh Đổi mới Nông nghiệp vì Khí hậu.
Cả hai nước nhất trí chấm dứt hỗ trợ trực tiếp của chính phủ cho ngành sản xuất nhiệt điện bằng than vào cuối năm 2021. Ngoài ra, mỗi nước sẽ nỗ lực phân phối 100 tỷ đôla mỗi năm mà các nước phát triển đã cam kết để hỗ trợ cho các nước đang phát triển nhằm xây dựng khả năng chống chịu với các tác động của khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới tương lai không có carbon ròng.
Hoa Kỳ và Nhật Bản cam kết coi đây là thập kỷ quyết định đối với hành động vì khí hậu và đảm bảo các nỗ lực hợp tác của hai nước đối với cuộc khủng hoảng khí hậu như một trụ cột của quan hệ đối tác song phương Mỹ-Nhật.
Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.