Accessibility links

Breaking News

Lễ Tạ ơn 2021


Lễ Tạ ơn
Lễ Tạ ơn

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:

Hoa Kỳ mừng Lễ Tạ ơn vào ngày thứ Năm của tuần thứ tư trong tháng 11. Mặc dù ngày lễ này giống với những lễ hội truyền thống mừng thu hoạch được mùa phổ biến ở các xã hội nông nghiệp đã có từ hàng nghìn năm trước, Lễ Tạ ơn tôn vinh kinh nghiệm của những người châu Âu đầu tiên đến định cư tại nơi mà ngày nay là đông bắc Hoa Kỳ.

Họ là những Người hành hương, những tín hữu Thanh giáo Ly khai muốn tách biệt hoàn toàn khỏi Giáo hội Anh giáo và do đó phải chịu sự đàn áp ở Anh. Vào tháng 9 năm 1620, 102 người sẽ là những thực dân trên vùng đất mới, hầu hết trong số họ là Người Thanh giáo, và 30 thành viên thủy thủ đoàn đã lên đường đến lục địa Châu Mỹ trên con tàu mang tên Mayflower.

Những Người hành hương biết rằng cuộc mạo hiểm ly khai của họ không được chính phủ Anh ủng hộ, và họ không có một người lãnh đạo nào được bổ nhiệm, họ phải tự quản lý theo sự đồng thuận của chính họ. Vì lý do đó, trước khi tàu Mayflower cập bờ, những Người hành hương trên tàu đã soạn ra Hiệp ước Mayflower, một văn bản hứa hẹn sự hợp tác giữa những người định cư. Hiệp ước quy định rằng các quyết định sẽ được đưa ra bằng cách bỏ phiếu – đó chính là cuộc thử nghiệm đầu tiên về dân chủ giữa những người châu Âu ở Bắc Mỹ. Hiệp ước đã được ký bởi hơn một nửa số đàn ông trên tàu, cả người Thanh giáo lẫn không Thanh giáo, và do đó đã được phê chuẩn theo nguyên tắc đa số.

Chỉ có 53 người trong số những người định cư sống sót qua mùa đông để đón mùa xuân năm sau. Nhưng mùa hè đã mang lại một vụ mùa bội thu. Và vào mùa thu năm 1621, những người còn sống sót trên miền đất mới mà họ đặt tên là Thuộc địa Plymouth đã quây quần lại để ăn mừng sự sống sót của họ. Khoảng 90 người bản địa Wampanoag tham gia cuộc ăn mừng với họ. Những người bản địa Wampanoag đã chỉ cho những Người hành hương cách sống sót trên miền đất mới, cho họ lương thực và chỉ họ cách xây nhà cửa để chống chọi với các điều kiện khắc nghiệt.

Trong lễ mừng kéo dài ba ngày đó, các thực dân Anh và người bộ lạc bản địa hòa đồng với nhau. Trong bữa tiệc của họ, những Người hành hương đãi các loại rau bản địa, vịt và ngỗng còn người Wampanoag đóng góp thịt nai.

Lễ Tạ ơn, như ngày nay được ăn mừng, bắt nguồn từ thế kỷ 19. Nó đã trở thành một ngày lễ chính thức trong thời gian cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, như một cách để thúc đẩy đoàn kết dân tộc. Và bữa ăn tối với gà tây truyền thống hiện nay đã trở thành món ăn chính trong Lễ Tạ ơn vì một con gà lớn này có thể đủ phần ăn cho cả gia đình mà giá thì không đắt lắm.

Mặc dù ngày lễ đã phát triển qua nhiều thế kỷ, Lễ Tạ ơn và hình ảnh Người hành hương và người Mỹ bản địa cùng nhau ăn mừng đã trở thành biểu tượng cho hòa bình, đa văn hóa, tự do tôn giáo và thịnh vượng mà Hoa Kỳ tiếp tục mang lại cho công dân và những người mới đến từ khắp nơi trên thế giới.

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG