Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:
Ngày 1 tháng 12 là Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS, là thời điểm để nâng cao nhận thức về đại dịch AIDS và để tưởng nhớ các nạn nhân đã chết vì căn bệnh này. Chủ đề của năm nay là “Chấm dứt đại dịch HIV/AIDS: Phục hồi và Tác động”.
Nỗ lực quảng bá thông tin của Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS hàng năm, cùng với các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ do Liên hợp quốc đặt ra vào năm 2000, đã góp phần nâng cao nhận thức và hành động toàn cầu về nhu cầu mở rộng điều trị cho các bệnh nhân HIV/AIDS. Năm 2003, chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã phát động Kế hoạch khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Cứu trợ AIDS, hay còn gọi là PEPFAR – một cam kết quốc gia lớn nhất thế giới chống lại một căn bệnh trên toàn cầu. Kế hoạch này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng.
Hiện có khoảng 38 triệu người đang sống chung với AIDS. Trong số này, có 68% bệnh nhân tuổi trưởng thành được điều trị bằng thuốc kháng retrovirus tính đến tháng 6 năm 2020. Bất chấp những con số nghe có vẻ lớn này, Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV và AIDS (UNAIDS) lưu ý rằng số ca tử vong liên quan đến AIDS đã giảm 60% kể từ mức đỉnh vào năm 2004, và số ca nhiễm mới giảm 40% kể từ năm 1997.
Chính phủ Hoa Kỳ đã góp công lớn vào thành công đó thông qua kế hoạch PEPFAR. Trong gần 18 năm kể từ khi thành lập, PEPFAR đã cứu sống 20 triệu người và ngăn chặn hàng triệu ca nhiễm HIV. Làm việc tại hơn 50 quốc gia, PEPFAR đã giúp duy trì trật tự, tránh bị rơi vào hỗn loạn bằng việc tích cực hỗ trợ các chính phủ đối tác kiểm soát dịch HIV/AIDS.
Tính đến ngày 30 tháng 9 năm nay, PEPFAR đã hỗ trợ thuốc kháng retrovirus cứu sống cho gần 17,2 triệu người; giúp cho 2,8 triệu trẻ em sinh ra không nhiễm HIV từ các bà mẹ nhiễm HIV; cung cấp dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ thiết yếu cho 6,7 triệu trẻ em mồ côi và trẻ em dễ bị tổn thương và những người chăm sóc chúng.
Năm nay, đại dịch Covid-19 đặt ra những thách thức đặc biệt đối với nỗ lực đối phó với HIV/AIDS trên toàn cầu. Tuy nhiên, các quốc gia đối tác đã có thể tận dụng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và chuỗi cung ứng do PEPFAR hỗ trợ để tăng cường ứng phó với COVID-19 tại địa phương của họ, và không để nỗ lực đối phó với HIV/AIDS bị chậm lại hoặc thụt lùi.
Tổng thống Donald Trump cho biết: “Sự lãnh đạo của Mỹ trong việc ứng phó toàn cầu với HIV/AIDS rõ ràng và mạnh mẽ hơn bao giờ hết thông qua Kế hoạch khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Cứu trợ AIDS. Những nỗ lực này đã ... đưa đại dịch HIV/AIDS từ khủng hoảng sang tình trạng kiểm soát được ở từng cộng đồng.”
Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.