Accessibility links

Breaking News

Ngày Thế giới Phòng chống Bệnh bại liệt 2020


Tiêm chủng vắc xin bại liệt cho một em bé tại một trung tâm y tế ở Maiduguri, bang Borno, Nigeria. (Ảnh tư liệu)
Tiêm chủng vắc xin bại liệt cho một em bé tại một trung tâm y tế ở Maiduguri, bang Borno, Nigeria. (Ảnh tư liệu)

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:

Bệnh bại liệt, hay còn gọi là bệnh viêm tuỷ xám, là bệnh truyền nhiễm gây tê liệt và có khả năng gây tử vong do virus bại liệt gây ra. Virus bại liệt xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương và có thể gây tê liệt toàn bộ trong vài giờ. Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm virus bại liệt, nhưng trẻ em dưới 5 tuổi đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh bại liệt có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin, nhưng không thể chữa khỏi một khi đã bị nhiễm bệnh.

Vào năm 1988, Đại hội đồng Y tế Thế giới thề quyết sẽ xóa sổ bệnh bại liệt, căn bệnh mỗi năm đã làm hơn 350.000 trẻ em bại liệt tại 125 quốc gia.

Sự hỗ trợ đắc lực của USAID đã góp công lớn vào thành tựu xóa sổ bệnh bại liệt ở châu Mỹ vào năm 1994, ở Tây Thái Bình Dương vào năm 2000, ở Châu Âu vào năm 2002, ở Đông Nam Á vào năm 2014, và gần đây nhất là vào năm nay - ở châu Phi. Vào giữa tháng 8, châu Phi đã được chứng nhận không có bệnh bại liệt hoang dã sau 4 năm không có ca bệnh mới. Nigeria là quốc gia cuối cùng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe để được chứng nhận, cùng 46 quốc gia trong khu vực kỷ niệm cột mốc lịch sử về y tế cộng đồng này.

Ngày nay các ca bệnh bại liệt đã giảm 99,9%, và chỉ có Afghanistan và Pakistan vẫn còn các ca nhiễm bệnh bại liệt.

Ở nhiều quốc gia, con đường xóa sổ bệnh bại liệt không hề dễ dàng. Xung đột kéo dài, thông tin sai lệch, dân cư thất tán, cộng đồng xa xôi và những thách thức khác đã gây cản trở — và tiếp tục gây cản trở — những nỗ lực của các quốc gia đang cố gắng chống lại virus bại liệt. Tuy nhiên, cho dù có xoá sổ được virus bại liệt tại các khu vực còn sót lại, thì nỗ lực ngăn chặn thích ứng và bền vững vẫn phải tiếp tục duy trì. Chỉ có cách thông qua sự cống hiến không ngừng nghỉ, khả năng giải quyết sáng tạo và nỗ lực không ngừng của các cộng đồng địa phương, chính phủ của các quốc gia và các đối tác toàn cầu thì chúng ta mới có thể vươn tầm tay tới một thế giới không có bệnh bại liệt.

Với sự hợp tác của vô số nhân viên y tế, lãnh đạo cộng đồng và tình nguyện viên, những người chưa bao giờ sao lãng mục tiêu tiếp cận từng đứa trẻ cuối cùng, sự hỗ trợ của USAID trong công cuộc xóa bỏ bệnh bại liệt toàn cầu đã giúp hơn 400 triệu trẻ em được tiêm vắc xin phòng bệnh bại liệt mỗi năm. Ngày nay, gần 19 triệu người đang đi đứng khoẻ mạnh và hơn 1,5 triệu người thoát chết vì virus bại liệt -- là con số người đã có thể bị nhiễm bệnh nếu không có nỗ lực xoá sổ căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.

Năm 2020 là một năm đáng chú ý để đánh dấu Ngày Thế giới Phòng chống Bệnh bại liệt, với dấu mốc châu Phi được chứng nhận không có bệnh bại liệt hoang dã ngay cả khi đại dịch COVID-19 tiếp tục phá vỡ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu trên toàn thế giới, kể cả các chương trình tiêm chủng thông thường. Trong tương lai, USAID và các đối tác có kế hoạch vận dụng các bài học kinh nghiệm và cơ sở hạ tầng đã xây dựng được trên con đường xóa bỏ bệnh bại liệt vào cách ứng phó của chúng ta đối với đại dịch hiện tại và các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm trong tương lai.

Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG