Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:
Ngày 11 tháng 9, Hoa Kỳ, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Tổng Thư ký ASEAN công bố Quan hệ Đối tác Mekong-Hoa Kỳ. Quan hệ Đối tác mới này phản ánh tầm quan trọng của khu vực Mekong đối với Hoa Kỳ và sẽ mở rộng quan hệ hợp tác bắt đầu từ năm 2009 trong khuôn khổ Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong. Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi sẽ xây dựng dựa trên thành quả tốt đẹp của Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong và khoản hỗ trợ 3,5 tỷ đôla của Hoa Kỳ cho khu vực trong 11 năm qua”.
Tại phiên khai mạc Đối tác Mekong-Hoa Kỳ, Hoa Kỳ tuyên bố hỗ trợ hơn 150 triệu đô la cho khu vực sông Mekong. Trong tổng số đó, 52 triệu đô la hỗ trợ khắc phục COVID-19, 55 triệu đô la cho các dự án phòng chống tội phạm xuyên biên giới, 33 triệu đô la cho các dự án phát triển năng lượng bền vững và an toàn, và 2 triệu đô la cho công tác chống buôn người.
Đối tác Mekong-Hoa Kỳ cam kết phát triển khả năng tự chủ, độc lập kinh tế, quản trị tốt và tăng trưởng bền vững cho các nước đối tác. Ngoại trưởng Pompeo nói: “Chúng tôi đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế với hơn 1 tỷ đôla để phát triển cơ sở hạ tầng tại các nước ASEAN thông qua Tổ chức Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) và có kế hoạch đầu tư thêm hàng tỷ đôla nữa trong những năm tới.”
Tuy nhiên, ông cảnh báo về sự cần thiết phải đương đầu với những thách thức hiện tại, "bao gồm cả những thách thức từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn ngày càng đe dọa môi trường tự nhiên và quyền tự chủ kinh tế của khu vực Mekong."
Các quyết định đơn phương của ĐCSTQ chặn dòng chảy ở thượng nguồn đã làm trầm trọng thêm đợt hạn hán lịch sử. Hoa Kỳ sát cánh với khu vực và Ủy hội sông Mekong trong việc kêu gọi chia sẻ dữ liệu minh bạch. “Chúng tôi khuyến khích các quốc gia trong khu vực sông Mekong buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm đối với cam kết chia sẻ dữ liệu nước của họ. Dữ liệu đó phải được công khai, và cập nhật quanh năm,” Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố. "Và dữ liệu đó cần phải được chia sẻ thông qua Ủy hội sông Mekong, tổ chức phục vụ lợi ích của các nước trong khu vực Mekong, không phải chỉ riêng cho lợi ích của Bắc Kinh."
Hoa Kỳ cũng lo ngại về các khoản nợ liên quan đến cơ sở hạ tầng và các hoạt động kinh doanh với âm mưu thôn tính và không rõ ràng của các tổ chức quốc doanh của Bắc Kinh, chẳng hạn như Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc. Một mối quan tâm khác là sự tăng mạnh của nạn buôn bán người, ma túy và động vật hoang dã, phần lớn xuất phát từ các tổ chức, công ty và các đặc khu kinh tế có liên hệ với ĐCSTQ.
Thông qua Đối tác Mekong-Hoa Kỳ, Hoa Kỳ mong muốn bảo vệ lợi ích của các nước đối tác và hợp tác để đảm bảo một khu vực Mekong hòa bình, an ninh và thịnh vượng.
Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.