Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:
“Chúng tôi lên án mạnh mẽ nhất có thể việc Thái Lan cưỡng bức hồi hương ít nhất 40 người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc, nơi họ không có quyền được xét xử hợp pháp và nơi người Duy Ngô Nhĩ phải đối mặt với sự ngược đãi, lao động cưỡng bức và tra tấn”, Ngoại trưởng Marco Rubio nói trong một tuyên bố.
Những người Duy Ngô Nhĩ này nằm trong nhóm 300 người trốn khỏi Trung Quốc và bị bắt vào năm 2014. Một số người đã bị trục xuất về Trung Quốc và một số người khác bị trục xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ. Những người còn lại bị giam giữ tại Thái Lan, một số người đã chết trong khi bị giam giữ, theo tin tức báo chí.
Ông Volker Türk, Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền nói rằng việc cưỡng bức hồi hương người Duy Ngô Nhĩ là điều vô cùng đáng lo ngại. “Điều này vi phạm nguyên tắc không trục xuất, nguyên tắc này bị cấm hoàn toàn trong những trường hợp có nguy cơ thực sự bị tra tấn, ngược đãi hoặc các tổn hại không thể khắc phục khác khi họ trở về.”
Ngoại trưởng Rubio nói: “Là đồng minh lâu năm của Thái Lan, chúng tôi lo ngại về hành động này có nguy cơ vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của mình theo Công ước Liên hợp quốc về chống tra tấn và Công ước quốc tế về bảo vệ mọi người khỏi bị mất tích cưỡng bức. Hành động này đi ngược lại truyền thống lâu đời của người dân Thái Lan là bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất và không phù hợp với cam kết bảo vệ nhân quyền của Thái Lan.”
Ngoại trưởng Rubio kêu gọi “tất cả các chính phủ ở các quốc gia mà người Duy Ngô Nhĩ tìm kiếm sự bảo vệ không cưỡng bức hồi hương người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc.”
“Trung Quốc, dưới sự chỉ đạo và kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã phạm tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ chủ yếu theo đạo Hồi và các thành viên khác của các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số ở Tân Cương,” Ngoại trưởng Rubio nói.
Thật vậy, các nhóm nhân quyền ước tính rằng hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi khác đã bị tập trung trong các trại tập trung ở khu vực phía tây bắc Tân Cương. Ban đầu, Trung Quốc phủ nhận sự tồn tại của các trại này, nhưng hiện nay nói rằng chúng là "các trường đào tạo nghề" cần thiết để chống khủng bố.
“Chúng tôi kêu gọi chính quyền Trung Quốc cung cấp quyền tiếp cận đầy đủ để xác minh tình trạng của người Duy Ngô Nhĩ trở về một cách thường xuyên,” Ngoại trưởng Rubio nói. “Chính phủ Thái Lan phải liên tục nhấn mạnh và xác minh đầy đủ rằng chính quyền Trung Quốc bảo vệ quyền con người của người Duy Ngô Nhĩ.”
Xã luận phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.